Phân tích phương pháp

HỌC TIẾNG ANH: PHÂN TÍCH PHƯƠNG PHÁP MỚI GIÚP NGHE NÓI TỰ NHIÊN

Học tiếng Anh theo phương pháp mới được nêu ra và phân tích tại đây để bạn hiểu rõ tại sao nó có hiệu quả vượt trội. Menu này giúp bạn tin vào khả năng của phương pháp mới và của cả chính mình để sẵn sàng gặt hái thành công. Menu kế tiếp là “Tóm lược phương pháp” để ví dụ thực hành cụ thể, ngắn gọn cho bạn dễ dàng vận dụng. Khi thực hành bạn có thể chỉ cần xem menu “Tóm lược phương pháp” là đủ.

Học tiếng Anh bằng phương pháp nào để lưu loát như người nước ngoài chỉ trong một vài tháng?

Học tiếng Anh cần có phương pháp. Sau một thời gian nghiên cứu các vấn đề trong học tiếng Anh và cách hấp thụ ngôn ngữ tự nhiên, tôi tìm ra một phương pháp giúp rèn luyện nghe nói tiếng Anh nhanh nhất và dễ dàng nhất. Phương pháp này cần nền tảng phát âm phiên âm quốc tế. Bạn có thể dễ dàng thành thạo phiên âm quốc tế trong khoảng 1 tuần nếu chịu luyện tập và có người hướng dẫn trực tiếp. Kế tiếp phương pháp này giúp bạn học từ vựng tiếng Anh rất dễ dàng trên phương diện nghe nói. Bạn sẽ nghe và hiểu ngay, đồng thời nghĩ ra ý và nói ngay.

Bạn chỉ cần rất ít thời gian và công sức trong việc ôn tập từ vựng tiếng Anh, nhất là khi đã lên số lượng vài nghìn từ. Thậm chí bạn sẽ không bận tâm chuyện quên mất nghĩa của một từ nào đó. Tôi còn khuyến khích bạn hãy quên ngay từ vừa mới học. Phương pháp học tiếng Anh này không yêu cầu bạn cố nhớ hoặc cố thuộc lòng một điều gì cả (ngoại trừ phiên âm quốc tế). Phương pháp của tôi giúp bạn học tiếng Anh và rèn luyện nghe nói một cách tự nhiên. Não của bạn sẽ tự động nhớ một cách tự nhiên và nói một cách tự nhiên.

Học tiếng Anh: Sai lầm thường gặp và lưu ý

Chúng ta thường sai lầm khi mượn tiếng Việt để học từ vựng hoặc tạo câu tiếng Anh. Khi học từ vựng chúng ta ghi nghĩa bằng tiếng Việt, vd: a cat = con mèo, và khi ôn tập từ vựng chúng ta cũng ôn ngược lại con mèo = a cat. Khi muốn nói câu gì ta cũng thường nghĩ câu hoặc ý theo tiếng Việt trước rồi mới dịch nó sang tiếng Anh để nói. Và ngược lại khi nghe tiếng Anh chúng ta cũng dịch lại tiếng Việt vào đầu để hiểu. Thói quen này trói chúng ta với tiếng Việt, làm mất thời gian, công sức hơn và khó lưu loát tiếng Anh một cách tự nhiên.

Cộng với chưa được học phát âm đúng tiếng Anh nên nếu tiếp xúc người nước ngoài nhiều thì ta lại thường nói “tiếng bồi” khi dùng từ vựng, tạo câu. Thật ra kỹ năng nghe nói tiếng Anh dễ dàng hơn đọc viết rất nhiều vì chỉ sử dụng ít từ vựng, câu ngắn, ngữ pháp đơn giản. Như trong tiếng Việt, có nhiều người trình độ thấp hoặc chưa đi học nên không biết đọc, biết viết nhưng vẫn nghe nói tiếng Việt rất dễ dàng. Điều đó cho thấy kỹ năng nghe nói ngôn ngữ rất đơn giản. Trong khi những người học ngoại ngữ đa số đều có trình độ nhất định nên thừa sức làm chủ nghe nói tiếng Anh nếu rèn luyện đúng phương pháp.

Cũng nên lưu ý rằng dù phương pháp học tiếng Anh của tôi mới lạ và hiệu quả tới đâu đi nữa thì cũng không thể giống như cây đũa thần biến bạn lập tức thành người Mỹ! Tôi chỉ trao cho bạn cái xe hoặc thậm chí đĩa bay nhưng bạn phải ngồi lên và cầm lái thì mới đến đích. Tôi chỉ bảo đảm hiệu quả học tiếng Anh vượt trội, nghĩa là thành quả tính trên công sức và thời gian bạn bỏ ra sẽ rất cao. Bạn phải chịu vận dụng thì mới thành công được. Với quyết tâm cao nhất của bạn cộng với phương pháp học tiếng Anh của tôi thì bạn có thể làm nên điều phi thường. Sau đây tôi sẽ trình bày toàn diện phương pháp rèn luyện nghe nói tiếng Anh mới. Tôi cũng sẽ phân tích lợi ích của nó để bạn hiểu rõ và tự tin vào phương pháp học tiếng Anh được trao cho bạn.

Học tiếng Anh: Phương pháp mới theo cách hấp thụ ngôn ngữ tự nhiên

Điều kiện đầu tiên là phải nắm vững phát âm phiên âm quốc tế (âm vị tiếng Anh)

Bạn học các âm vị của tiếng Anh, cách cấu âm của chúng và bạn sẽ thấy phát âm tiếng Anh dễ như đánh vần của tiếng Việt. Tất cả tiếng Anh đều gói gọn trong một số lượng nhỏ âm vị này. Phát âm được chúng coi như bạn đã có khả năng nói đúng được tiếng Anh rồi. Điều kiện này vô cùng quan trọng nên phải vừa học thầy, vừa tự nghiên cứu, rèn luyện. Thầy nên quan sát, kiểm tra riêng cho bạn chứ không chỉ là làm mẫu chung cho cả lớp bắt chước. Dù rất ít và rất dễ học nhưng mọi nhầm lẫn hoặc sai trong cấu âm tiếng Anh sẽ làm bạn thất bại ngay từ đầu.

Bạn hoàn toàn có thể tự học theo quyển “Ngữ âm – Âm vị học” (English Phonetics and Phonology) của Peter Roach, ấn bản của đại học Cambridge, bản dịch và chú giải của Trương Đức Quang. Bạn sẽ được hệ thống và hiểu rõ, tự tin hơn trong phát âm tiếng Anh. Bạn có thể học bổ sung các khóa và giáo trình dạy phát âm tiếng Anh như Ship or Sheep, Tree or Three, Listen First… về cách đặt lưỡi, răng, môi, miệng… (cấu âm) thế nào để phát âm được phiên âm quốc tế. Bạn nên hiểu đây là hệ thống âm vị khác với ký tự dù cách viết có khi giống nhau. Ký tự tiếng Anh cũng phải dùng các âm vị để phiên âm ra thì mới phát âm được. Nếu được người hướng dẫn trực tiếp và rèn luyện đúng thì chỉ cần một quyển “Ngữ âm – Âm vị học” là đủ và bạn có thể học xong những mục cần thiết chỉ trong khoảng 1 tuần.

Hai bước học tiếng Anh hiệu quả nhất

Sau khi thành thạo phát âm phiên âm quốc tế thì bạn theo 2 bước sau đây để học từ vựng và rèn luyện nghe nói tiếng Anh:

Bước 1: Nghe và lặp lại chính xác âm

Nghĩa là bạn nghe và phát âm lại to rõ đúng như vậy. Phải lặp lại to rõ, không thì thầm, không nói “giọng gió”.

Phân tích:

Lặp lại phát âm đúng không phải là bắt chước cho giống mà phải đúng âm vị tiếng Anh. Bạn kiểm tra phát âm đúng hay sai bằng cách tự ghi ra phiên âm của từ đó rồi so với phiên âm trên tự điển tiếng Anh online. Bạn chỉ cần nghe và lặp lại cho đúng âm, không cần quan tâm nghĩa của từ đó. Có thể phân thành 2 giai đoạn nhỏ: ban đầu bạn nhìn mặt chữ, sau đó không nhìn mặt chữ nữa. Nhìn mặt chữ không phải để thuộc chữ viết, mà nó sẽ gợi ý phần nào cho bạn về cách phát âm của từ đó. Bạn sẽ có một “điểm tựa” nhỏ để gợi nhớ cho não. Sau khi đã nghe và lặp lại thoải mái rồi thì không cần nhìn mặt chữ nữa mà vẫn tiếp tục nghe rồi lặp lại. Sau vài lần thực hiện, bạn nên nghe ngẫu nhiên danh sách từ vựng tiếng Anh đang học, không theo một thứ tự cố định nữa. Hãy tập hợp một số lượng từ vựng tiếng Anh vừa đủ để học 1 lần tùy sức của mình (khoảng từ 10 đến 50 từ/lần học)

Việc chỉ nghe và lặp lại làm cho não bạn làm quen với âm tiếng Anh được nghe. Não chỉ thuần túy thực hiện 1 công việc duy nhất là nghe và lặp lại cho đúng. Lúc nghe thì não đối chiếu với các âm vị tiếng Anh bạn đã học để nhận ra đúng âm vị mà lặp lại. Khi bạn lặp lại bằng cách phát âm lớn tiếng thì chính bạn đang nghe cách mình phát âm và đối chiếu với âm vừa nghe máy đọc. Hai quá trình nghe và nói hỗ trợ cho nhau. Nghe đúng sẽ nói đúng và nói đúng sẽ nghe đúng. Vì nói là nói lại cái mình đã được nghe và khi nghe là nghe lại cái mình thường nói. Chẳng phải trong tiếng Việt, khi bạn nghe ai đó nói một từ lạ thì bạn sẽ phải hỏi lại người đó sao? Vì não không nhận ra âm đó giống bất cứ từ gì bạn thường nói. Còn khi học một từ mới thì ta luôn nghe và bắt chước lại để ghi vào não.

Vậy thì chỉ cần nghe tiếng Anh và bắt chước là đủ rồi, cần gì phiên âm quốc tế với cấu âm? Thật ra đó mới chính là cách hấp thu ngôn ngữ tự nhiên của trẻ em. Không ai dạy trẻ nhỏ vài tuổi cách cấu âm cả, mặc dù đôi khi ta cũng kêu chúng nên đặt lưỡi, chu môi… thế nào để phát âm giống hơn. Chúng nhờ môi trường chỉ có duy nhất một ngôn ngữ nên sẽ hấp thụ và nói được chính xác nhưng phải mất nhiều năm. Nhờ trí tuệ đã phát triển nên người lớn chỉ cần học cấu âm 1 lần là có thể bắt chước phát âm tiếng Anh chính xác. Sau đó chỉ cần ôn tập nhiều cho quen. Nếu chúng ta muốn bắt chước tiếng Anh kiểu tự nhiên thì phải sang Mỹ ở vài năm. Nhưng ta thậm chí cũng không thể bắt chước hiệu quả được như trẻ nhỏ vì não người lớn nặng về logic và chúng ta bị ngôn ngữ cũ, những tri thức cũ làm hạn chế khả năng trực quan và bắt chước như lúc bé.

Lưu ý là bạn không cần phải ráng nhớ hay ráng thuộc gì cả. Bạn không cần phải nhìn mặt chữ và phải nhớ hoặc thuộc cách phát âm. Mục đích của bước 1 là khi bạn nghe phát âm một từ tiếng Anh nào đó thì bạn nhận ra được chính xác âm vị nào và sử dụng chính nó để lặp lại. Nếu bạn không nhận ra được âm vị tiếng Anh chính xác, ví dụ không biết là âm /a/ hay /e/ thì chỉ cần nhìn vào phiên âm trên tự điển tiếng Anh online. Cứ nghe từng từ tiếng Anh một cách tự nhiên, thả lỏng và nếu không nhận ra thì cứ xem “đáp án”. Lại thấy rằng việc trước tiên thành thạo phát âm phiên âm quốc tế là rất quan trọng. Khi đó bạn đã quen với từng âm tiếng Anh riêng lẻ rồi nên đến bước này gặp nhiều âm kết hợp trong từ vựng sẽ dễ dàng.

Như vậy từ từ não sẽ được dạy là khi nghe như vậy chính là âm /e/ chẳng hạn. Cũng đừng tự buộc mình phải nhận ra cho được âm /e/ trong mọi từ vựng tiếng Anh. Nếu nghe từ khác lại không nhận ra âm /e/ thì cứ xem phiên âm của từ đó trong tự điển. Bạn đang dạy não phản xạ nhận ra âm tiếng Anh, nên đừng gượng ép nó vì đây không phải thuộc phạm trù cần thông minh hay logic gì cả. Gượng ép không được gì mà càng làm não mau mệt mỏi và ức chế thêm. Đàng nào cũng không thể dùng “sức lực” để nhớ nổi vài nghìn từ tiếng Anh, vậy thì hãy quên ngay từ đầu càng tốt. Hãy vui vẻ và không đặt chỉ tiêu gì cho não cả, chỉ vui chơi thú vị mà thôi.

Nhắc lại là bạn không được cố sức để nhớ hoặc thuộc gì cả. Thậm chí bạn phải cố quên ngay những từ đã “lỡ” nhớ. Bạn quên bằng cách lúc giải lao thì hít sâu, thở ra dài và nghĩ rằng cái gì “vô” thì nó tự vô rồi, không thì mình quên hết, không cần nhớ gì cả. Mà thực sự là chỉ nghe âm, nhận ra và lặp lại thôi, có cần nhớ gì đâu! Chìa khóa nằm ở chỗ lặp lại nhiều lần, nên bạn hãy vui vẻ xem đây là trò chơi như đố vui tiếng Anh chẳng hạn và hãy chơi thật nhiều lần với não của mình.

Bước 2: Nghe, cảm nhận từ loại + nghĩa và lặp lại to rõ

Có thể chia 2 giai đoạn: Lúc đầu nhìn mặt chữ, nghe và cảm nhận từ loại + nghĩa. Sau đó không nhìn mặt chữ nữa, nghe, cảm nhận từ loại + nghĩa và lặp lại to rõ.

Phân tích:

Ở đây có một khái niệm mới là cảm nhận từ loại + nghĩa. Từ loại gồm danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, giới từ. Trước tiên hãy hiểu khái niệm từ loại tiếng Anh rồi mới biết cảm nhận từ loại là gì. Tôi không nhắc lại định nghĩa từ loại ở đây mà chỉ giải thích cảm nhận từ loại. Ví dụ ai cũng biết danh từ là từ chỉ tên một đối tượng là sự vật hay hiện tượng. Nhưng cảm nhận thì đơn giản hơn và chỉ là cảm giác. Giống như khi nói “con cù lần” thì bạn không biết nó là con gì vì chưa từng gặp. Bạn không thể hình dung “con cù lần” vì chưa từng thấy nó nhưng bạn biết đó là tên của một con vật gì đó. Hiểu “đó là con vật gì đó” chính là cảm nhận từ loại danh từ.

Ví dụ ai cũng hiểu động từ là từ chỉ hành động. Vậy cảm nhận động từ nghĩa là cảm nhận đó là một cử động hoặc chuyển động hoặc một tác động gì đó. Tương tự cảm nhận tính từ nghĩa là bạn biết nó là tính chất, đặc điểm gì đó của một đối tượng. Bạn cảm nhận nó là mô tả của một đối tượng nào đó. Tương tự cảm nhận trạng từ nghĩa là mô tả cho hoàn cảnh (vd: “dạo này”, “gần đây”) hoặc mô tả cho động từ. Tương tự cảm nhận giới từ nghĩa là mô tả một tương quan về vị trí so với một vật nào đó. Tất cả bên trên chỉ là gợi ý cho bạn hiểu “cảm nhận” từ loại tiếng Anh là thế nào. Thực tế mỗi người sẽ có cách cảm nhận đơn giản riêng, miễn là không sai bản chất của từ loại tiếng Anh.

Phương pháp học tiếng Anh của tôi không cần bạn phải cố thuộc nghĩa của từ vựng. Mặc dù bước 2 này giúp bạn ghi nghĩa của từ vào đầu, nhưng sau thời gian dài không cần sử dụng thì bạn có quyền quên nghĩa của từ tiếng Anh đó đi. Chuyện này là bình thường và tôi cũng khuyến khích giải phóng bộ não. Bạn chỉ cần quen phát âm của từ tiếng Anh đó. Nghĩa là đã từng gặp, từng nói rồi thì sau này khi quên chỉ cần nghe lại, hoặc xem lại tự điển, hoặc nhờ bối cảnh câu chuyện thì bạn sẽ nhớ lại nghĩa của từ rất dễ dàng. Vì nó không phải từ lạ với bạn, bạn như gặp lại một người bạn cũ, chỉ cần hỏi lại tên là sẽ nhớ lại nhau.

Đương nhiên nếu bạn muốn giữ vốn từ tiếng Anh tối thiểu để sử dụng khi cần thì cách ôn luyện đơn giản chỉ là mở máy nghe lại các từ vựng đó và nghe tới đâu thì bạn cảm nhận từ loại + nghĩa đến đấy. Mỗi từ tiếng Anh bạn chỉ ôn tập trong khoảng 1 giây, vậy bạn thử tính xem mất bao lâu để ôn 6.000 từ? So với cách ôn truyền thống thì phải mất bao lâu?

Từ vựng tiếng Anh có rất nhiều nghĩa và cũng nhiều từ loại. Bạn không thể nhớ tất cả nghĩa của một từ được. Tùy ngữ cảnh mà bạn dùng hoặc hiểu nó theo nghĩa khác nhau. Vì vậy khi bạn học tiếng Anh thì chỉ cần quan tâm nghĩa đầu tiên của từ loại đầu tiên (thường đó là nghĩa và từ loại phổ biến của nó). Việc cảm nhận từ loại không những giúp bạn “cảm và quen” với từ tiếng Anh đó mà còn giúp bạn tạo câu dễ dàng, tự nhiên. Vì khi bạn cảm nhận được từ loại thì bạn dễ dàng đem nó đặt vào câu đúng vị trí và ý nghĩa của nó, phối hợp hoàn chỉnh với những từ loại khác. Và bạn lưu ý rằng từ loại của một từ tiếng Anh là không cố định. Bạn chỉ lấy một để học nhưng trong quá trình tiếp xúc, sử dụng bạn sẽ biết thêm những từ loại và nghĩa khác của nó dễ dàng.

Ban đầu bạn cần cảm nhận từ loại và hình dung nghĩa. Về sau việc hình dung nghĩa diễn ra rất nhanh chỉ bằng cảm giác mà không cần tưởng tượng nữa. Ví dụ bạn nghe từ “cat” thì bạn hình dung con mèo. Tuyệt đối không dịch ra tiếng Việt là "con mèo" trong đầu. Bạn sẽ cảm được một con vật (cảm nhận danh từ) và kiểu loài nó như thế (con mèo). Lúc đầu bạn chưa quen việc cảm nhận và cắt bỏ tiếng Việt nên sẽ có chút bối rối và hơi chậm. Nhưng hãy cố gắng cảm nhận, bỏ tiếng Việt đi và rồi bạn sẽ quen và bỏ được thói quen sai, phản xạ xấu.

Sau này bạn sẽ thấy rất dễ dàng và nhanh chóng khi học tiếng Anh và ôn từ vựng. Bạn sẽ sử dụng tiếng Anh rất tự nhiên vì bạn cảm nhận trực tiếp đối tượng chứ không còn qua trung gian. Não bạn sẽ xử lý ngôn ngữ giống như người bản xứ, tiếng Anh sẽ như tiếng mẹ đẻ của bạn. Đó là lý do có nhiều người nói tiếng Anh lưu loát nhưng bảo họ dịch ra tiếng Việt thì họ phải suy nghĩ, thậm chí không nhớ nên dùng từ tiếng Việt nào để dịch. Đó là lúc bạn đã đạt đến mức phản xạ tự nhiên.

Tôi cần tách riêng cảm nhận từ loại và nghĩa vì có một sai sót trong học tiếng Anh là hiểu nghĩa nhưng lại quên từ loại của nó. Tiếng Việt vì quá gần gũi nên ta thường không để ý từ loại nữa, và từ loại trong tiếng Việt thường không khác biệt nhiều như tiếng Anh. Cách sử dụng từ loại trong tiếng Việt ít chặt chẽ như tiếng Anh nên nếu ta không cảm nhận từ loại tiếng Anh thì ta dễ dùng từ nhầm lẫn và sai ngữ pháp.

Một sai sót là ta hiểu nghĩa tiếng Anh nhưng lại áp từ loại cho nó theo tiếng Việt. Ví dụ ngày xưa tôi vẫn thường nhầm “hurry” là tính từ vì khi học tôi lấy nghĩa tiếng Việt là “vội”, mà “vội” trong tiếng Việt tôi nghĩ nó là tính từ nên dẫn tới dùng từ sai. Đó cũng là một ví dụ cho sự tai hại khi lấy một từ tiếng Anh = từ tiếng Việt. Điều này dẫn đến sai hoàn toàn, hoặc sai một phần vì 2 từ đó có thể được người Mỹ và người Việt sử dụng khác nhau, chưa kể “cảm xúc” gắn với từ đó nữa chứ không chỉ là nghĩa (ví dụ cảm xúc thường kèm theo từ vựng như: trang trọng, cung kính, miệt thị, thân mật, gièm pha, chế giễu, cười cợt, mỉa mai, xem thường, tôn trọng…).

Một từ tiếng Anh bình thường nhưng dịch ra tiếng Việt không khéo lại làm người nghe có cảm giác sai, dù cho về nghĩa nó vẫn đúng. Vì vậy hãy tập xem tự điển Anh – Anh, cho dù ban đầu bạn phải dò nghĩa từng chữ trong phần định nghĩa của tự điển Anh – Anh. Vì một từ trong tự điển Anh – Anh được giải thích bằng nhiều câu từ giúp bạn hiểu nghĩa của từ đó trọn vẹn và chính xác hơn. Còn tự điển Anh – Việt chỉ dùng một vài từ tiếng Việt được cho là đồng nghĩa để giải thích nên dễ bị hiểu sai, hiểu thiếu. Tương tự học ngữ pháp bạn cũng nên xem sách ngữ pháp tiếng Anh, ngữ pháp dịch ra tiếng Việt không thể diễn đạt hết ý nổi. Tôi đã nghiên cứu ngữ pháp gốc tiếng Anh và thấy rất nhiều điều thú vị mà chưa sách tiếng Việt hay thầy giáo Việt nào diễn tả lại hết được.

Khi bạn nghe và cảm nhận được từ loại + nghĩa thì bạn đã nghe tiếng Anh một cách tự nhiên. Khi bạn cảm nhận từ loại + nghĩa và lặp lại to rõ thì bạn đã nói tiếng Anh một cách tự nhiên. Nội dung xuất hiện trong đầu và bạn có ngay đúng từ tiếng Anh để nói ra. Bạn không còn thông qua trung gian tiếng Việt nữa. Nghĩa xuất hiện trong đầu bạn là một sự vật, hiện tượng đúng như cảm nhận của bạn chứ không phải là một từ tiếng Việt nữa. Bạn nghĩ tới con vật bắt chuột và nói ngay “a cat” chứ không nghĩ từ “con mèo” trong đầu nữa.

Phương pháp học tiếng Anh nhanh nhất và không cần “dùng sức” để cố thuộc lòng

Vậy là bạn đã hiểu được tại sao phương pháp học tiếng Anh này giúp bạn nghe nói một cách tự nhiên như người bản xứ. Bạn chỉ cần gõ từ vựng tiếng Anh vào tự điển online để học và chỉ cần khoảng 1 giây cho việc ôn một từ. Bạn dùng cả 2 bước để học từ mới và bước 2 để ôn từ cũ. Tốc độ học tiếng Anh và ôn của bạn sẽ cực kỳ nhanh chóng và vô cùng dễ dàng. Còn sức lực bỏ ra thì sao? Phương pháp học tiếng Anh của tôi không yêu cầu bạn phải vất vả suy nghĩ hoặc cố nhớ một điều gì. Mỗi một bước thì não chỉ làm một việc, mà việc đó cũng vô cùng đơn giản và đã có phương tiện hỗ trợ toàn bộ.

Bạn không đặt chỉ tiêu gì cho não cả, bạn chỉ cần vui vẻ lặp lại trò chơi này với não cho đến khi tiếng Anh “thấm vào” lúc nào không hay. Chỉ cần bạn vui vẻ và tự tin là mình sẽ nghe nói tiếng Anh lưu loát với phương pháp vô cùng dễ dàng này. Nếu bạn rèn luyện đúng cách và tinh thần thoải mái lúc học tiếng Anh thì bạn có thể gặp một cảm giác và vài giấc mơ lúc ngủ. Bạn sẽ có cảm giác như tiếng Anh “thấm” vào mình, nó tuôn chảy ra tự nhiên theo ý nghĩ của bạn. Bạn có thể gặp những giấc mơ trong đó bạn thấy mình nói tiếng Anh rất lưu loát và ngôn ngữ cứ tuôn chảy ra mà không có gì trở ngại. Vì bạn đã “chạm” vào bản chất của hấp thụ ngôn ngữ tự nhiên chứ không học tiếng Anh kiểu “dùng sức” để cố nhớ nữa!

Tóm lại, phương pháp học tiếng Anh này chỉ gồm 1 điều kiện và 2 bước dễ dàng để rèn luyện nghe nói tiếng Anh. Đương nhiên vài câu chữ không thể giải thích và truyền đạt hết ý nghĩa, kinh nghiệm cho bạn. Nhưng vì phương pháp học tiếng Anh này hết sức đơn giản nên tôi nghĩ bạn hoàn toàn có thể nắm được cách làm và tự thực hành được. Nếu vẫn chưa hiểu hết, bạn chỉ cần thực hiện đúng “động tác” đơn giản ở 2 bước khi học tiếng Anh. Trong khi thực hành, bạn sẽ tự nhiên hiểu và “cảm” được nhiều điều hơn.

Con đường học tiếng Anh tiếp theo rất đơn giản

Tới đây bạn chỉ mới đủ vốn từ vựng tiếng Anh và khả năng nhận ra âm, từ vựng để chuẩn bị giao tiếp thôi. Vấn đề tiếp theo đơn giản chỉ là tiếp xúc tiếng Anh nhiều, diễn tập nhiều để có khả năng nghe trọn câu, trọn ý và diễn đạt, tạo câu. Hãy tập đọc lớn tiếng, nghĩa là sau khi nghe giọng Mỹ bản xứ đọc xong một câu, bài văn, bài tin tức thì bạn nhìn chữ và đọc lại lớn lên. Hãy khéo chọn và học thuộc lòng những đoạn tiếng Anh đàm thoại thường đàm, sau đó tự diễn xuất độc thoại hoặc rủ bạn bè đóng vai để diễn lại cuộc đàm thoại tiếng Anh.

Hãy cố gắng nhập tâm lời thoại tiếng Anh, cảm nhận ý nghĩa, nhập vai tốt. Hãy tập nghĩ ra ý rồi mới phát ra lời, và hãy nghe rồi mới hiểu chứ đừng diễn theo kiểu thuộc lòng như vẹt. Hãy thu âm và nghe lại cách mình đọc lớn và đàm thoại tiếng Anh để hoàn thiện dần. Bên cạnh đó hãy xem phim (nên bắt đầu bằng hoạt hình của trẻ em), xem tin tức, nghe đài tiếng Anh nhiều hơn để biết những từ vựng thường dùng và quen nghe, quen cách nói của người bản địa. Từ vựng tiếng Anh thường dùng không nhiều. Chỉ cần qua một số tờ báo, chục quyển sách, chục bộ phim các thể loại là bạn thấy từ vựng lặp lại hầu hết rồi. Hãy nhớ câu “nghe nhiều nói hay, đọc nhiều viết hay”.

Về giọng Mỹ thì bạn chỉ cần nghe tự điển www.learnersdictionary.com phát âm và học theo cách phát âm đó. Những khác biệt của giọng Mỹ rất dễ dàng nhận biết và làm theo. Bạn không cần phải tìm các nghiên cứu, tổng hợp những khác biệt của tiếng Anh giọng Mỹ. Bạn không cần quan tâm đến bất kỳ quy tắc giọng Mỹ nào cả. Hãy nhớ đây không phải phạm trù logic. Bạn không cần suy nghĩ logic gì lúc phát âm tiếng Anh. Đơn giản nó là phản xạ nên bạn chỉ cần nghe từng từ, thấy tự điển của Mỹ phát âm thế nào thì phát âm lại đúng như thế đó.

Tính tương đối của tiếng Anh và mọi ngôn ngữ

Có lẽ cũng nên nói về khía cạnh tương đối của việc học tiếng Anh. Tất cả ngôn ngữ đều phát triển, thay đổi liên tục ngay trên chính bản địa. Từ vựng mới, câu mới, cách phát âm… luôn thay đổi theo thời gian và bạn cũng thấy điều đó ngay trên tiếng Việt. Vì vậy không có phương pháp học tiếng Anh nào bảo đảm nói đúng 100% như bản xứ được. Chỉ có phương pháp học tiếng Anh mang bạn đến gần nhất, hiệu quả nhất với bản địa. Một phương pháp học tiếng Anh tự nhiên, dễ dàng nhất cộng với bạn tiếp xúc thực tế bản địa nhiều sẽ giúp bạn sớm gần với người bản xứ nhất.

Ngay với tiếng Việt, bạn cũng thấy khác nhau khá nhiều ở những vùng miền khác nhau. Ở Mỹ cũng vậy, diện tích Mỹ rộng hơn Việt Nam và cách nói mỗi nơi cũng có khác nhau. Nhưng người Việt trên mọi vùng miền có giao tiếp được với nhau không? Có thể bạn hơi lạ lẫm ban đầu, nhưng sau đó bạn sẽ làm quen và nắm bắt nhanh chóng. Tương tự như vậy, bạn chỉ cần học một cách nói của Mỹ và bạn sẽ dễ dàng khi giao tiếp với mọi “biến thể” khác. Chỉ cần bảo đảm rằng bạn theo đúng phương pháp và tiếp xúc với tài liệu, phương tiện đúng gốc của Mỹ để học tiếng Anh.

©2013 Tiếng Anh Mỹ