Phiên âm quốc tế

HỌC TIẾNG ANH RẤT DỄ DÀNG VỚI NỀN TẢNG PHIÊN ÂM QUỐC TẾ

Học tiếng Anh rất cần phiên âm quốc tế. Phiên âm quốc tế làm tiếng Anh có thể đánh vần dễ dàng như tiếng Việt. Nhìn phiên âm quốc tế bạn có thể biết ngay cách phát âm đúng. Toàn bộ tiếng Anh được gói gọn trong hệ thống âm vị cố định, dễ dàng nắm bắt.

Quyển “Ngữ âm – Âm vị học” (English Phonetics and Phonology) của Peter Roach, ấn bản của đại học Cambridge, bản dịch và chú giải của Trương Đức Quang là tài liệu đầy đủ nhất để bạn làm chủ phát âm tiếng Anh. Bạn chỉ cần học những mục cần thiết cho việc phát âm phiên âm quốc tế, không cần đi sâu vào các nghiên cứu ngôn ngữ. Mặc dù có người hướng dẫn cho bạn sẽ nhanh chóng hơn nhưng tài liệu này vẫn dễ dàng cho bạn tự nghiên cứu và thực hành.

Tôi sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm trong lúc rèn luyện phát âm tiếng Anh để giúp bạn tiếp thu nhanh chóng, dễ dàng và đỡ rủi ro hơn. Rủi ro hiểu sai và thực hành sai phát âm tiếng Anh là rất dễ xảy ra. Nếu không nhận ra sớm điều này sẽ dễ thành thói quen và phản xạ sai lầm. Vì vậy tôi khuyên bạn không nên gấp rút, vội vàng trong giai đoạn rèn luyện phát âm phiên âm quốc tế của tiếng Anh. Tuy nó rất dễ dàng nhưng nếu sai sót sẽ làm bạn phải mất thời gian sửa chữa lại thói quen.

Hệ thống âm vị tiếng Anh và phiên âm quốc tế rất ngắn gọn và dễ dàng 

- Có nhiều hệ thống ký hiệu phiên âm quốc tế tiếng Anh. Bạn đừng lo lắng vì chúng chỉ là ký hiệu đại diện cho cùng một âm. Dù ký hiệu có khác nhau thì cách phát âm cũng như nhau thôi. Bạn cứ học theo ký hiệu trong quyển “Ngữ âm – Âm vị học”. Đến lúc học từ vựng tiếng Anh thì bạn cứ theo www.learnersdictionary.com, rất dễ dàng

- Giọng Mỹ có vài âm đặc trưng, nhưng dễ phát âm. Bạn sẽ lần lượt tiếp xúc và học được dễ dàng tại www.learnersdictionary.com

- Phát âm tiếng Anh rất đơn giản. Chỉ cần cấu âm (đặt lưỡi, môi, răng…) đúng và đẩy hơi ra là được. Nếu bạn biết cách đẩy hơi từ ngực hoặc bụng ra thông suốt thì càng dễ phát âm và nói nhanh hơn

- Đừng lo lắng khi thấy một số từ được phát âm khác nhau ở các tự điển tiếng Anh khác nhau. Cứ chọn cho mình một cách. Thật ra từ vựng tiếng Anh không dễ bị trùng âm và dễ nhầm lẫn đâu. Dù cũng có một ít từ đồng âm, khác nghĩa nhưng không đáng kể để bạn sợ nói nhầm hoặc nghe sai

- Người nước ngoài không quá “thính tai” như chúng ta nghĩ đâu. Có khi họ còn kém hơn ta! Bằng chứng là âm /p/ và /b/ trong tiếng Việt thì họ coi là một, tương tự họ cũng coi âm /c/ và /g/ tiếng Việt là như nhau. Lúc đầu tôi cũng rất ngạc nhiên vì tai thì nghe giống âm /p/ tiếng Việt nhưng tại sao phiên âm là /b/? Và nghe giống âm /c/ của tiếng Việt nhưng lại phiên âm là /g/? Bạn thường thấy trong phim Mỹ họ nói “Go! Go! Go...” nghe giống âm /c/ tiếng Việt lắm. Nhưng khi đọc quyển “Ngữ âm – Âm vị học” bạn sẽ hiểu là tiếng Anh phân biệt /p/ hay /b/ và /k/ hay /g/ bằng có “bật hơi” hay không chứ không nghe chi tiết đến mức như người Việt phân biệt riêng /c/ và /g/. Hóa ra họ dễ nghe hơn và rất dễ phát âm tiếng Anh

- Giọng Mỹ hầu như nếu chữ viết có “r” là họ đều phát âm /r/, điều này làm bạn dễ học giọng Mỹ hơn. Giọng Anh thì bạn phải biết có phát âm /r/ hay không và phải nhớ cuối từ thường không phát âm /r/ nhưng từ kế tiếp bắt đầu bằng nguyên âm thì lại phải nối /r/ qua. Giọng Mỹ xem ra đơn giản hơn phải không nào!

- Âm /ɑ:/của giọng Mỹ cũng thường dùng hơn và bạn dễ nhớ hơn giọng Anh. Thậm chí với giọng Mỹ bạn có thể tương đối dễ đoán phát âm khi nhìn mặt chữ hơn là giọng Anh

- Người Việt và Hàn Quốc thường nhầm lẫn giữa ký tự và âm vị. Ví dụ ký tự “c” ta phát âm là /cờ/ nhưng âm /k/ tiếng Anh thì không phải phát âm là /cờ/ hay /khờ/ được. Cũng như người Hàn Quốc thường thấy “s” cuối từ tiếng Anh thì phát âm là /sờ/ hay /xừ/ cũng là sai. Tiếng Anh chỉ là đẩy hơi ra nên các âm vị khi được phát âm riêng lẻ thường khá nhẹ chứ không được thêm /ơ/ vào. Rất nhiều người Việt phát âm sai từ “glove” thành /gờ lô vờ/ và khi xem tivi, nghe đài bạn cũng thường nghe phát âm là /bờ ra zin/ (Brazil), /bờ lu/ (blue), /pờ lây/ (play). Hơn nữa, Tiếng Việt chịu ảnh hưởng từ tiếng Pháp nên nhiều lúc bị pha trộn với tiếng Pháp

- Người Việt thường phát âm tiếng Anh âm /w/ thành /oai/ và chưa được chính xác

- Khi “đánh vần” trong phiên âm quốc tế cũng giống như tiếng Việt. Vần nào tách riêng vần đó và bạn không nên ghép dính chúng với nhau. Ví dụ từ “daddy” phiên âm là /ˈdædi/ và bạn nên phát âm là /ˈdæ-di/ chứ đừng phát âm là /ˈdæd-di/, tương tự “mummy” phiên âm /ˈmʌmi/ thì bạn phát âm là /ˈmʌ-mi/ chứ đừng phát âm là /ˈmʌm-mi/

- Nhịp điệu của tiếng Anh khác tiếng Việt. Hầu như trong tiếng Việt ta nói rời rạc và khoảng cách đều từng từ nhưng trong tiếng Anh thì họ chỉ nhấn một số từ hoặc âm quan trọng, còn lại những từ không quan trọng hoặc đệm thì họ lướt nhanh qua. Muốn luyện ở mức cao hơn thì bạn có thể học gõ nhịp theo câu nói tiếng Anh. Nhưng theo tôi thì chưa cần thiết. Bạn dễ dàng làm quen và nói được nhịp giống họ khi giao tiếp nhiều với họ

- Tôi rất vui mừng khi thấy trong quyển “Ngữ âm – Âm vị học” có ghi những trường hợp tiếng Anh được phát âm nhẹ và khác đi. Tôi đã rất bối rối khi thấy mình nghe không ra những âm này. Nhưng sau khi đọc thì tôi thấy dễ nghe hơn và học theo cách phát âm nhẹ của họ sẽ nói chuyện hay hơn

- Như tôi từng nói, bạn không cần học các quy luật hay nguyên tắc phát âm tiếng Anh. Bạn chỉ cần nắm chính xác các âm vị tiếng Anh. Sau đó khi gặp một từ, bạn nghe phát âm thế nào thì lặp lại thế ấy. Học nhiều quy tắc làm bạn rối trí, tốn công nhớ nhưng khi nói thì cũng chẳng có thời gian suy nghĩ để mà áp dụng các quy tắc đó. Kỹ năng nghe nói là phản xạ và chỉ đơn giản là theo thói quen, không cần thiết tìm hiểu tại sao, nguồn gốc, lý do…

- Lúc mới học tiếng Anh có thể cần liên tưởng tới tiếng Việt để dễ hiểu và cảm nhận đúng. Nhưng sau đó thì hãy bỏ tiếng Việt đi. Nhất là không được lấy một âm tiếng Việt coi như tương đương một âm tiếng Anh, dù lúc mới học có thể lấy để so sánh và cảm nhận, làm quen. Mượn tiếng Việt để cảm nhận và điều chỉnh cho giống, đúng âm tiếng Anh nhưng sau đó hãy “ở lại” với âm đúng tiếng Anh và hãy coi mình là… người Mỹ

 

Mọi điều cần thiết để học phát âm tiếng Anh đều có đầy đủ trong quyển “Ngữ âm – Âm vị học”, bạn hãy xem và sẽ thấy rất hay. Nhưng hãy nhớ rằng mục đích của bạn là hiểu cấu âm tiếng Anh để phát âm đúng phiên âm quốc tế là đủ. Bạn có thể nghiên cứu sâu thêm vì sở thích riêng của mình, nhưng hãy nhớ là sau khi thành thạo cách phát âm phiên âm quốc tế thì bạn đã có thể dừng lại để quay sang học từ vựng và rèn luyện nghe nói theo 2 bước của phương pháp học tiếng Anh này.

©2013 Tiếng Anh Mỹ